5 lý do khiến chị em phụ nữ không thể từ chối cốc nguyệt san

5 lý do khiến chị em phụ nữ không thể từ chối cốc nguyệt san

Có thể nói rằng cốc nguyệt san chính là một cuộc cách mạng đối với chị em phụ nữ. Thật thiệt thòi cho những ai chưa từng sử dụng cốc nguyệt san một lần trong đời, và sẽ là bất hạnh nếu đến giờ phút này bạn vẫn chưa từng nghe qua cái tên “cốc nguyệt san”. Nhưng đừng lo, vì bạn đã nhìn thấy bài viết này, mình cam đoan cuộc đời bạn sẽ bước sang một trang mới. Chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng với những trường hợp mình biết thì cứ 10 chị em đã từng thử dùng cốc nguyệt san là có đến 9 người không bao giờ quay lại với tampon hay băng vệ sinh truyền thống nữa, người còn lại thì buộc phải dùng băng vệ sinh vì một số hạn chế về sức khỏe hoặc chưa tìm được loại cốc phù hợp với mình. Về bí quyết lựa chọn cốc phù hợp với từng người, mình sẽ chia sẻ ở một bài khác. Còn bây giờ, cùng tìm hiểu 5 lý do khiến cho chị em không thể từ chối cốc nguyệt san nhé!

Một số loại cốc nguyệt san
Một số loại cốc nguyệt san

1. Nhỏ gọn và tiện lợi.

“Tiện” là lý do đầu tiên khiến mình “bồ kết” em cốc nguyệt san này sau nhiều năm trung thành với băng vệ sinh. Một em băng vệ sinh dù có mỏng cỡ nào thì kích cỡ cũng phải tầm nửa bàn tay, một gói có 8 miếng là cũng thành một bọc tương đối lớn rồi. Đi làm hay đi chơi mà phải dự trữ một đến vài gói băng vệ sinh trong túi xách là đủ khiến tụi mình phải cân nhắc bỏ lại nhiều món đồ khác, thậm chí một số em túi bé xinh chỉ đựng vừa thỏi son hay chiếc điện thoại sẽ phải nằm im ở nhà những ngày chúng ta “rớt dâu”. Còn nếu chúng ta cất băng vệ sinh ở một chỗ nào đó khác thay vì trong túi xách, thì thử tưởng tượng đến cảnh tất cả mọi người đều nhìn thấy bạn cầm bịch băng vệ sinh đi vào toilet, dù cho không ai nói gì đi chăng nữa thì cũng khá là ngại đúng không nào?

Tất cả những vấn đề này đều sẽ được giải quyết nếu bạn thay những bịch băng vệ sinh cồng kềnh đó bằng một em cốc nguyệt san nhỏ xinh. Cho dù bạn có bị “rớt dâu” bao nhiêu ngày thì tất cả những gì cần mang theo cũng chỉ là MỘT chiếc cốc nguyệt san. Ngoài ra, nhiều hãng cốc nguyệt san cũng tặng kèm túi dây rút cho khách hàng, đựng cốc trong túi và bạn tha hồ mang đi bất cứ đâu mà không sợ mọi người biết trong túi có gì rồi nhé.

Cốc nguyệt san Aneer với túi dây rút đi kèm xinh xắn
Cốc nguyệt san Aneer với túi dây rút đi kèm xinh xắn

Cách sử dụng cốc cũng không có gì khó khăn đâu các bạn nhé. Trước khi sử dụng, chúng mình phải tiệt trùng cốc bằng nước sôi hoặc viên tiệt trùng. Đưa cốc vào âm đạo, khi máu kinh đã đầy cốc thì chúng mình lấy cốc ra, đổ máu đi, vệ sinh sạch sẽ và lại nhét cốc vào. Mỗi lần như thế, chúng ta chỉ cần vệ sinh cốc bằng nước sạch là đủ, không cần tiệt trùng lại đâu nhé. Ban đầu, khi chưa quen, việc này có thể khiến bạn đau hay mất chút thời gian, một số bạn có thể cảm thấy bẩn, tuy nhiên các bạn hãy kiên trì và giữ tâm lý thoải mái, sau 1 – 2 chu kì, khi đã thao tác quen, các bạn chỉ mất khoảng 30 giây cho một lần thay cốc thôi và cũng không đau đớn gì đâu nếu bạn chọn được loại cốc phù hợp với mình. Về vấn đề sạch – bẩn, một chút nữa mình sẽ cho các bạn thấy thực ra việc dùng băng vệ sinh hay tampon “bẩn” hơn rất nhiều so với dùng cốc nguyệt san, nhé!

2. Tạm biệt mọi khó chịu “ngày dâu” với bảo bối cốc nguyệt san.

“Ngày dâu” luôn là nỗi ám ảnh với chị em phụ nữ với đủ thứ phiền toái trên đời như mệt mỏi, đau nhức…, và càng khó chịu hơn khi lúc nào cũng phải kè kè miếng băng vệ sinh khiến cho vùng kín bị bí, nóng và ẩm ướt, đặc biệt là vào mùa hè. Vấn đề trào ngược hay xô lệch cũng gây nên nhiều lo lắng và bất tiện khi chúng ta hoạt động mạnh hay khi nằm. “Ngày dâu” cũng ngăn cản chúng ta phải ngậm ngùi chia tay với các loại quần mỏng và bó có thể khiến cho miếng băng vệ sinh “hiện nguyên hình”, in hằn ra bên ngoài quần, các loại quần lót thời trang hay quần lọt khe; bởi vào những ngày này, ưu tiên của chúng ta nên là những loại quần cotton chắc chắn, có đũng lớn có thể đảm bảo cho miếng băng được cố định và hạn chế xô lệch đến mức tối đa.

Một lần nữa, tất cả các vấn đề này đều được giải quyết chỉ với một em cốc nguyệt san nhỏ xinh.

Minh họa vị trí của cốc nguyệt san trong tử cung và cách thức hoạt động của nó
Minh họa vị trí của cốc nguyệt san trong tử cung và cách thức hoạt động của nó

Với cơ chế hoạt động là nằm bên trong âm đạo và hứng máu chảy ra từ tử cung, không để máu này thoát ra ngoài nên hoàn toàn không có bất cứ thứ gì có thể gây nên các vấn đề như bí bách hay ẩm ướt nữa. Một khi cốc nguyệt san đã nằm yên vị đúng chỗ của nó, các bạn sẽ hoàn toàn quên mất cảm giác “đến kì”. Sau một vài lần sử dụng, bạn sẽ “căn” được khoảng thời gian cốc đầy, từ đó chủ động thay cốc, loại bỏ hoàn toàn nỗi lo tràn băng bất ngờ. Vì nằm trong âm đạo, cốc nguyệt san không cần bất cứ loại quần áo đặc thù nào để hỗ trợ tính ổn định, do đó bạn thoải mái mặc quần lọt khe hay thậm chí là “thả rông” tùy thích.

Một điểm đặc biệt nữa là bạn hoàn toàn có thể đi bơi trong những ngày “rớt dâu” nhờ trợ thủ đắc lực cốc nguyệt san. Toàn bộ lượng máu kinh chảy ra sẽ được giữ lại bên trong cốc, không chảy ra ngoài nên chúng mình không sợ máu dây ra làm bẩn nước hay tạo nên những tình huống xấu hổ nhé. Bạn cũng tha hồ hoạt động mạnh mà không sợ cốc bị xô lệch vì bản thân các cơ âm đạo đã giữ cho cốc ở đúng vị trí của nó rồi mà.

3. Vô cùng sạch sẽ, ngăn ngừa viêm nhiễm.

Một số bạn sẽ nghĩ rằng dùng cốc nguyệt san là đưa vật thể lạ vào bên trong cơ thể, cũng chính là đưa vi khuẩn vào cơ thể, hay nói nôm na là bẩn; một số khác thì cảm thấy “ghê” khi phải nhìn thấy máu kinh của chính mình hay bị máu dây ra tay trong quá trình vệ sinh… Tuy nhiên, mình phải khẳng định với các bạn rằng, miếng băng vệ sinh mà các bạn cho là sạch sẽ (thậm chí nhiều loại còn được quảng cáo có chức năng diệt khuẩn) ẩn chứa nhiều nguy cơ gây viêm nhiễm cô bé hơn nhiều.

Các bạn đều biết với vị trí của băng vệ sinh thì nó sẽ thấm hút không chỉ máu kinh mà còn cả nước tiểu dư thừa nữa. Bản thân máu kinh không có chứa vi khuẩn, nhưng khi ra ngoài, dưới tác động của môi trường, máu kinh thấm ở bông tạo nên môi trường ẩm ướt và ấm nóng vô cùng thích hợp để vi khuẩn sinh sôi. Nhiều bạn có lượng kinh nguyệt ít thường có thói quen đợi đầy băng mới thay, sử dụng băng vệ sinh trong thời gian này, điều đó khiến cho vi khuẩn có cơ hội sinh sôi và xâm nhập vào bên trong âm đạo, gây ra viêm nhiễm và ngứa phụ khoa, lâu dần có thể biến chứng thành ung thư cổ tử cung…Các loại băng vệ sinh hiện nay cũng thường bổ sung chất tạo hương và chất khử mùi để giảm bớt mùi hôi, các chất này có thể gây dị ứng cho một số người.

Cốc nguyệt san được làm từ silicon, bản thân nó không phải là môi trường thích hợp để vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Trước mỗi kì kinh, bạn phải thực hiện bước tiệt trùng trước khi đưa cốc nguyệt san vào cơ thể mình, bước này giúp đảm bảo chiếc cốc khi được sử dụng không chứa đựng nguồn vi khuẩn có hại. Bản thân máu kinh khi còn trong cơ thể thì hoàn toàn sạch sẽ nên việc dùng cốc giữ máu kinh lại bên trong âm đạo không gây nên bất cứ thay đổi nào cho môi trường bên trong âm đạo, không gây nên các bệnh viêm nhiễm phụ khoa.

Nếu như có bất kì nguy cơ viêm nhiễm nào, thì nó sẽ đến từ các ngón tay của bạn chứ không phải từ cốc nguyệt san. Do đó, chúng ta cần đảm bảo đã rửa tay sạch trước khi dùng cốc, cũng không nên để móng tay dài hay đính đá vì dễ gây xước âm đạo, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Silicon là chất không gây kích ứng khi đưa vào cơ thể người, đã được ứng dụng trong công nghệ thẩm mỹ từ rất lâu rồi (nâng mũi, bơm ngực…) nên việc đặt cốc làm từ silicon vào âm đạo hoàn toàn không gây dị ứng cho dù vùng kín của bạn có nhạy cảm đến cỡ nào.

4. Giúp theo dõi tình hình sức khỏe

Như mình đã nói bên trên, máu kinh khi còn trong cơ thể thì hoàn toàn là máu sạch, do đó nó không hề có mùi (chỉ hơi tanh mùi máu một chút xíu xiu không đáng kể thôi). Mùi hôi mà chúng ta thường thấy khi sử dụng băng vệ sinh là do máu đã tiếp xúc với không khí, tạo môi trường cho các vi khuẩn gây mùi phát triển. Máu kinh chỉ có mùi hôi khi cơ thể bạn có các vấn đề bệnh lý liên quan đến sức khỏe sinh sản như lạc nội mạc tử cung, buồng trứng đa nang hay viêm nhiễm phụ khoa. Bằng việc sử dụng cốc nguyệt san, chúng ta loại trừ được các nguyên nhân bên ngoài khiến máu kinh có mùi hôi. Do đó, khi thấy máu kinh trong cốc có mùi hôi bất thường, chúng ta có thể nhận biết ngay rằng cơ thể đang có những dấu hiệu không ổn cần được thăm khám và điều trị kịp thời.

Máu kinh có mùi hôi

5. Tiết kiệm hơn nhiều so với dùng băng vệ sinh.

Cốc nguyệt san trung bình có giá dao động từ khoảng 200.000đ đến hơn 1.000.000đ tùy loại. So với số tiền để mua một bịch băng vệ sinh thì có vẻ như đầu tư một em cốc nguyệt san khá là “đau ví”. Tuy nhiên, một chiếc cốc nguyệt san lại có tuổi thọ trung bình khoảng 5 – 10 năm. Giả sử một gói băng vệ sinh có giá 20.000đ, một tháng chúng ta dùng hết 2 gói, như vậy trong 5 – 10 năm chúng ta tiêu tốn khoảng 2.400.000đ – 4.800.000đ cho băng vệ sinh, tức là đắt hơn gấp vài lần đến vài chục lần cho một chiếc cốc nguyệt san.

Giải mã một số điều có thể bạn chưa biết

Bản thân cốc nguyệt san là một giải pháp mới lạ cho phần đông chị em phụ nữ Việt Nam, do đó có rất nhiều vấn đề xung quanh việc sử dụng cốc khiến chị em cảm thấy mù mờ hoặc hiểu sai. Chúng mình hãy cùng điểm qua một số những hiểu lầm và thắc mắc thường gặp nhất ở chị em khi sử dụng cốc nguyệt san nhé!

Khi đi tiểu có phải tháo cốc nguyệt san ra không?

Câu trả lời là KHÔNG nhé! Có một sự thật rất rõ ràng và hiển nhiên rằng âm đạo và niệu đạo là hai đường hoàn toàn khác nhau, chúng ta đặt cốc ở âm đạo còn nước tiểu thì được bài tiết ra ngoài qua niệu đạo, thế nhưng vẫn có khá nhiều chị em thắc mắc về vấn đề này khiến mình cảm thấy khá là bất ngờ. Mình sẽ để ảnh dưới đây để mọi người dễ hình dung hơn về cấu tạo của vùng tam giác nhé!

cấu tạo cơ quan sinh sản nữ và bài tiết

Dùng cốc nguyệt san khiến âm đạo rộng ra?

Đây cũng là lo lắng của nhiều chị em, rằng mình nhét cái cốc to như vậy vào bên trong hàng bao nhiêu ngày như thế thì “cô bé” có bị rộng ra không? Nghe thì nỗi lo đó thật có lý, nhưng thật ra lại chẳng thuyết phục chút nào. Các chuyên gia đã khẳng định âm đạo của chúng ta có chức năng co giãn cực tốt, khi chúng ta lấy cốc ra khỏi cơ thể, các cơ âm đạo sẽ co lại như ban đầu. Bên cạnh đó, việc sử dụng cốc nguyệt san giúp chúng ta có cơ hội luyện tập động tác kegel (đây là một động tác giống như khi ngắt tiểu, có thể coi như một động tác thể dục cho âm đạo, giúp các cơ âm đạo khỏe hơn, khít hơn; khi sử dụng cốc nguyệt san, động tác này giúp cốc dễ dàng đi vào bên trong âm đạo và nằm đúng vị trí), nếu thường xuyên luyện tập động tác này, “cô bé” chẳng những không bị rộng ra mà còn khít lại hơn trước ấy chứ.

Đi cùng với nỗi lo này, chị em còn có một nỗi lo khác tương tự, đó là “cái lỗ bé tí như vậy làm sao mà nhét cả cái cốc nguyệt san to đùng thế vào được?”. Ban đầu,  các bạn cần gấp cốc lại để miệng cốc nhỏ đi, dễ dàng đưa vào trong hơn; khi đã vào bên trong, miệng cốc sẽ tự bung ra, cộng với sự co giãn của âm đạo, miệng cốc sẽ vừa khít với thành âm đạo, ngăn không cho máu kinh chảy ra ngoài. Tất nhiên, độ co giãn của âm đạo cũng không phải là vô hạn nên các loại cốc nguyệt san thường được thiết kế có nhiều kích cỡ khác nhau, các bạn khi mua cốc nên nhờ người bán tư vấn kĩ để chọn được loại cốc phù hợp với cơ thể của mình nhé!

Máu kinh không chảy ra ngoài, vậy khi nằm nó có chảy ngược vào tử cung không?

Cổ tử cung có cấu tạo rất đặc biệt. Vào những ngày đèn đỏ, nó chỉ mở ra một lỗ rất nhỏ để máu kinh có thể thoát ra ngoài dưới tác động co bóp của các cơ tử cung. Bởi thế, khi máu đã ra đến âm đạo, nó không thể chảy ngược trở lại cho dù bạn có nằm hay trồng cây chuối đi chăng nữa. Khi dùng cốc nguyệt san, máu kinh sẽ chảy tự do bên trong ống âm đạo (và chỉ trong ống âm đạo mà thôi), nếu lượng máu kinh quá nhiều, chúng sẽ tràn ra ngoài gây ra hiện tượng rò rỉ.

Chưa từng quan hệ tình dục có sử dụng cốc nguyệt san được không?

Màng trinh của phụ nữ nằm chắn ngang âm đạo, nằm cách cửa âm đạo khoảng 1 – 3cm, có thể bị rách khi có dị vật xâm nhập vào bên trong âm đạo. Do đó, có thể khẳng định rằng, việc sử dụng cốc nguyệt san có khả năng làm rách màng trinh.

Đây là điều mà những chị em chưa từng quan hệ tình dục nên lưu ý khi muốn sử dụng cốc nguyệt san. Nếu bạn chưa mất trinh, thì lần đầu tiên đưa cốc vào bên trong cơ thể có thể sẽ tương đối khó khăn. Thêm vào đó, việc tự tay làm rách màng trinh có thể gây căng thẳng cho chúng ta, khiến cho việc đưa cốc vào bên trong trở nên khó khăn và đau đớn hơn, tệ hại hơn là chúng ta sẽ bị ám ảnh rằng dùng cốc nguyệt san là rất khó và đau, từ đó sinh ra tâm lý e dè ở những lần tiếp theo hoặc bỏ cuộc vĩnh viễn. Hoặc đối với một số bạn có tâm lý coi trọng màng trinh, không muốn bị mất trinh trước khi kết hôn (dù thực ra việc còn trinh hay không không nói lên bất cứ điều gì về con người chúng ta cả) thì cũng không nên sử dụng cốc nguyệt san.

Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều bạn sẵn sàng đánh đổi “lần đầu” này để lấy sự thoải mái và tiện lợi. Tùy cơ địa từng người mà màng trinh dày hay mỏng, dễ rách hay khó rách, khi rách gây đau hay không đau, chảy máu hay không chảy máu…, do đó, chỉ cần có sữ chuẩn bị về mặt tâm lý thì việc dùng cốc nguyệt san khi chưa từng QHTD là hết sức bình thường. Đối với những cô gái tiến bộ thì không tội tình gì mà phải đánh đổi bao nhiêu tháng năm tiện lợi thoải mái chỉ để giữ một cái màng sinh học không có nhiều ý nghĩa lắm. Dưới đây là một số ý kiến của nhưngg bạn đã sử dụng cốc nguyệt san khi chưa hề QHTD mà mình tổng hợp được từ một nhóm những người cùng quan tâm đến cốc nguyệt san trên facebook:

Sử dụng CNS trước khi QHTD

Kết lại, như mình đã nói từ đầu, sự ra đời của cốc nguyệt san đã làm nên một cuộc cách mạng đối với phụ nữ. Phụ nữ chúng ta đã không ngừng đấu tranh để giải phóng mình khỏi những tư tưởng cổ hủ, những bất công và định kiến, vậy thì không có lí gì chúng ta lại từ chối việc giải phóng bản thân khỏi kiểu chăm sóc sức khỏe theo lối mòn cũ, kiểu chăm sóc mang lại nhiều phiền toái, khó chịu và nguy cơ tiềm ẩn.

Các bạn còn lý do gì để từ chối một em cốc nguyệt san nhỏ xinh nữa không?

221 views

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*